100%

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

 

Trong những năm qua ngành Nội vụ rất vinh dự và tự hào là cơ quan trực tiếp phục vụ Đảng và Nhà nước lãnh đạo cuộc cách mạng của đất nước trong một giai đoạn lịch sử vô cùng trọng đại của dân tộc. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù với các tên gọi khác nhau, Ngành Nội vụ Thanh Hóa cũng luôn vượt qua khó khăn trở ngại, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ với tư cách là một cơ quan trọng yếu của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, đảm nhận trách nhiệm nặng nề và hết sức vẻ vang là trực tiếp tham mưu, giúp việc, phục vụ UBND tỉnh cơ quan hành chính cao nhất của tỉnh. Trong suốt chặng đ­ường lịch sử vẻ vang đó, Ngành Nội vụ Thanh Hóa ngày càng trưởng thành, phát triển và đã có những đóng góp rất quan trọng, thiết thực vào những thành quả cách mạng to lớn trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tích xuất sắc của các thế hệ cán bộ trước đây, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ngành Nội vụ Thanh Hóa hiện nay đã và đang nỗ lực phấn đấu làm tốt công tác tham mưu, giúp việc cho UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh. Những năm gần đây, Ngành Nội vụ đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, góp phần tích cực vào việc tăng cường hiệu quả hoạt động của UBND tỉnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh, trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Ngành Nội vụ đã thực hiện tốt trong việc chủ động đề xuất và tổ chức thực hiện nhiều giải pháp đổi mới trên các lĩnh vực chuyên môn, đặc biệt là trong các chương trình, nhiệm vụ quản lý cán bộ, công chức, viên chức, cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính, đổi mới cách làm việc, xây dựng thể chế, bảo đảm thông tin..., góp phần thiết thực nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh; giúp UBND tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức nói riêng.

          Trong những năm qua ngành Nội vụ trong tỉnh đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm của từng thời kỳ, tham mưu giúp chính quyền các cấp hoàn thành những nhiệm vụ của công tác tổ chức nhà nước. Đi đôi với việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngành Nội vụ trong tỉnh cũng từng bước trưởng thành, đáp ứng những nhiệm vụ ngày càng cao của từng thời kỳ, đặc biệt là thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

I. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA NGÀNH NỘI VỤ THANH HÓA QUA CÁC THỜI KỲ

1. Giai đoạn từ tháng 8 năm 1945 đến tháng 7 năm 1954

Những ngày đầu sau Cách mạng tháng 8, tuy vừa mới ra đời, lực lượng còn rất nhỏ bé nhưng Ngành Nội vụ đã tham mưu thành lập các cơ quan hành chính của Chính quyền cách mạng từ tỉnh xuống cơ sở; cán bộ, công chức ngành Nội vụ đã góp phần giúp Chính quyền lâm thời các cấp tỉnh Thanh Hóa tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử đại biểu quốc hội năm 1946, bầu đại  biểu HĐND 02 cấp (tỉnh và xã) và Uỷ ban hành chính tỉnh 3 cấp (tỉnh, huyện và xã).

Sau ngày 19/12/1946, nhiệm vụ của Uỷ ban hành chính tỉnh là tiêu thổ kháng chiến, lãnh đạo nhân dân trong tỉnh thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, xây dựng lực lượng vũ trang, kháng chiến và phục vụ kháng chiến. Với bộ phận cán bộ thuộc Uỷ ban hành chính các cấp, ngành Nội vụ đã tham mưu điều động, bố trí cán bộ, huy động lực lượng cho Hội đồng cung cấp phục vụ các mặt trận ngoài tuyền tuyến (chiến dịch Điện Biên Phủ, Biên giới, …), điều  động, bố trí cán bộ xuống nông thôn thực hiện giảm tô và thu thuế nông nghiệp, đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hoá trong 09 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

2. Giai đoạn từ tháng 8 năm 1954 đến tháng 4 năm 1964

Trong giai đoạn này, hòa chung với cán bộ và nhân dân trong tỉnh, nhiệm vụ của ngành là phục vụ công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

 - Về công tác cán bộ: Đã giúp Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh tỉnh tiếp nhận, bố trí, sắp xếp, ổn định cuộc sống cho 56.580 cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miềm Nam tập kết; điều động cán bộ cho các đoàn Uỷ ban cải cách ruộng đất; điều động cán bộ về vùng công giáo phát động đồng bào giáo dân chống bọn phản động ép đồng bào di cư vào Nam năm 1954, sắp xếp, điều động, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cho các cơ quan mới thành lập ở các ngành, các cấp; tuyển chọn học sinh và cử cán bộ đi đào tạo, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức; áp dụng chế độ tiền lương năm 1960...

- Về công tác Xây dựng chính quyền: Đã giúp Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh thực hiện Hiến pháp năm 1959, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1962; hoàn thành các cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá 2, 3, HĐND các cấp (khoá 2, 3, 4, 5, 6) và kiện toàn Uỷ ban hành chính các cấp.

- Về công tác tổ chức bộ máy: Đã giúp Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tổ chức lại, điều chỉnh lại các cơ quan chuyên môn của tỉnh và huyện, các công ty, xí nghiệp các ngành Công nghiệp, Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thương nghiệp, Tài chính, Ngân hàng, Lương thực, Văn hoá Thông tin,...

- Ngoài các nhiệm vụ trên, trong thời kỳ này Cán bộ trong ngành đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao về công tác thương binh, việt kiều, hộ tịch, thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý nhà đất khu vực thị xã Thanh Hoá và thị trấn Sầm Sơn.

3. Giai đoạn từ tháng 5 năm 1964 đến 4 năm 1975

Cùng với cả nước, nhiệm vụ của ngành Nội vụ lúc này là phục vụ cho các yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

- Về công tác tổ chức bộ máy: Đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh thành lập một số xí nghiệp cơ khí vùng, xí nghiệp công nghiệp nhẹ như: thuốc lá, xà phòng, ép dầu, diêm... đảm bảo nhu cầu tiêu dụng tại chỗ, phục vụ chiến đấu, chi viện trực tiếp cho chiến trường; thành lập các đơn vị đảm bảo giao thông, các đơn vị Thanh niên xung phong mở đường, vận tải hàng hoá đường bộ, đường thuỷ, thành lập công trường 101 xây dựng sân bay Sao Vàng,...

- Về công tác cán bộ: Tham mưu cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính điều động cán bộ cho chiến trường miền Nam, cung cấp cán bộ cho quân đội làm Chính trị viên cho các đơn vị chiến đấu tại các chiến trường B, C,..., thực hiện chính sách đối với cán bộ cấp xã (phụ cấp sinh hoạt phí, trợ cấp nghỉ việc...).

- Về công tác xây dựng chính quyền: Đã tham mưu tổ chức thành công 2 cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 4, 5 và 3 cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp (khoá 6, 7, 8); thành lập 10 Thị trấn nông trường đáp ứng yêu cầu tổ chức lại các đơn vị hành chính và di dân phát triển vùng kinh tế mới.

4. Giai đoạn từ tháng 4 năm 1975 đến năm 1986

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất tổ quốc, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cán bộ Ngành Nội vụ cùng với nhân dân cả nước bắt tay ngay vào việc phục vụ, khắc phục hậu quả của chiến tranh, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

- Về công tác tổ chức, bộ máy: Đã tham mưu cho Uỷ ban hành chính và sau là UBND tỉnh sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức bộ máy không còn phù hợp (tổ chức phân phối, cung cấp lương thực, thực phẩm, vận tải cho chiến trường...) thành lập các tổ chức theo yêu cầu nhiệm vụ mới như Ban Xây dựng huyện, các cơ quan chuyên môn của cấp huyện...

- Về công tác cán bộ: Đã điều động hàng nghìn cán bộ khoa học kỹ thuật chủ yếu là ngành nông nghiệp, cán bộ chỉ đạo tăng cường cho cấp huyện; vận động cán bộ thực hiện tinh giản biên chế trong các cơ quan. Đồng thời, giúp Uỷ ban hành chính điều động cán bộ chi viện cho các tỉnh phía Nam, giáo viên cho các tỉnh Thuận Hải, Cao Bằng, Đắc Lắc..., cử cán bộ đi đào tạo tạo các trường Đại học, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ tại Trường hành chính tỉnh cho cán bộ chính quyền xã, thị trấn.

 - Về công tác xây dựng chính quyền: Đã tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền các cấp tổ chức thành công các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 7, 8, bầu cử đại biểu HĐND các cấp khoá 9, 10, 11 đúng luật; giúp Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND và UBND các cấp và đại biểu hoạt động hiệu quả. Thực hiện tốt công tác giải quyết tranh chấp địa giới hành chính với các tỉnh bạn, công tác thành lập, chia tách các xã ở miền núi, nâng cấp 2 thị trấn thành lập 2 thị xã Sầm Sơn và Bỉm Sơn.

5. Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2000

Nhiệm vụ của thời kỳ này là tham mưu, phục vụ thực hiện đường lối đổi mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

- Về công tác tổ chức, bộ máy: Đã tham mưu giúp UBND tỉnh phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng cấp, sắp xếp tổ chức, bộ máy, từng bước thực hiện cải cách hành chính trong cơ quan nhà nước. Đã rà soát lại các Sở và cơ quan ngang sở còn 35 đơn vị, cấp huyện còn trên dưới 10 phòng ban; rà soát để lại những doanh nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế, hoạt động có hiệu quả, từng bước giải thể, tổ chức lại các đơn vị làm ăn thua lỗ, từ 463 công ty, trạm, trại còn lại 136 doanh nghiệp nhà nước.

- Về công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức: Thực hiện tốt việc quản lý thống nhất đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh với tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh là 48.294 người, trong đó quản lý nhà nước 3.423 người, sự nghiệp giáo dục là 38.481 người. Năm 1993, đã thực hiện xếp lương của cán bộ, công chức, viên chức trong các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước theo hệ thống thang bảng lương quy định.

- Về công tác xây dựng chính quyền: Đã tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền các cấp tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 9,10, đại biểu HĐND các cấp khoá 12, 13, 14 và kiện toàn UBND các cấp theo quy định của pháp Luật. Trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định về chế độ đối với trưởng thôn, trưởng bản, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn và triển khai chế độ chính sách mới. Kết quả này đã động viên cán bộ xã, phường, thị trấn, thôn, bản góp phần ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế ở cơ sở.

+ Trong lĩnh vực quản lý địa giới hành chính, Ngành Nội vụ đã phối, kết hợp cùng các ngành, các đơn vị hữu quan giải quyết cơ bản các tranh chấp về gianh giới một số xã, hoàn thành xây dựng bộ bản đồ hành chính tỉnh theo Nghị quyết 364/CP của Chính phủ.

6. Giai đoạn từ năm 2001 đến nay

Bám sát nhiệm vụ được giao, ngành Nội vụ đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho UBND các cấp thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Về công tác tổ chức bộ máy: Tham mưu cho UBND các cấp thực hiện việc cải cách bộ máy hành chính theo Nghị định số 171/2004/NĐ-CP và Nghị định số 172/2004/NĐ-CP,  Nghị định số 13/2008/NĐ-CP và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Đến nay, đã sắp xếp 29 sở, cơ quan ngang sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh thành 19 cơ quan, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện giảm từ 13, 14 phòng xuống còn 12, 13 phòng; với tổ chức tinh gọn, phù hợp với đặc điểm địa lý, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

+ Thực hiện tốt việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, các Ban Chỉ đạo, Hội đồng, các tổ chức chuyên môn, đơn vị trực thuộc. Chỉ tính trong 10 năm 2006-2016 đã thành lập, giải thể 310 tổ chức, kiện toàn, bổ sung nhiệm vụ cho 170 tổ chức, quy định chức năng nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND  tỉnh, UBND  cấp huyện và 42 đơn vị trực thuộc các Sở, ngành cấp tỉnh.

+ Thực hiện giao chỉ tiêu biên chế hành chính nhà nước ổn định từ năm 2011 đến năm 2015, cụ thể giao biên chế năm 2015 như sau: khối hành chính nhà nước giao 4.357 người; khối sự nghiệp nhà nước 60.562 người, trong đó: sự nghiệp giáo dục đào tạo 50.662 người, sự nghiệp y tế 7.500 người, sự nghiệp văn hóa, thông tin và thể thao 1.050 người, sự nghiệp khác 1.350 người.

Tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện Đề án đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ các năm 2011, 2012, 2013, 2014, 2015 của các sở, cơ quan ngang sở, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Tham mưu xây dựng Đề án “Thí điểm thi tuyển Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, UBND cấp huyện”. Tổ chức tập huấn và triển khai thực hiện chi tiết đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh về xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức; xác định vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp.

- Về công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức: Tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền về quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đã chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo Nghị định 204/2004/ NĐ-CP của Chính phủ cho 58.600 cán bộ, công chức, viên chức, trên 12.000 cán bộ, công chức cấp xã và 2.800 cán bộ y tế xã đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định của Chính phủ. Năm 2006 xếp lương theo Thông tư số 80, 81 đối với 19.000 viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo,...Đặc biệt, giai đoạn 2011-2015, Ngành Nội vụ đã tham mưu, tổ chức 03 cuộc thi tuyển công chức, đảm bảo phù hợp với vị trí việc làm và nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, được Thủ tướng Chính phủ biểu dương trong các cuộc họp tổng kết năm của Chính phủ.

- Về công tác xây dựng chính quyền: Công tác xây dựng chính quyền những năm qua tập trung nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở. Đã tham mưu giúp chính quyền các cấp tổ chức thành công các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XI, XII, XIII, XIV; bầu cử đại biểu HĐND các cấp khoá XV, XVI, kiện toàn UBND các cấp đủ thành viên đảm bảo hoạt động hiệu quả của chính quyền. Trình Chính phủ quyết định thành lập, giải thể, mở rộng địa giới nhiều thôn, làng, bản, xã, phường, thị trấn; hoàn chỉnh việc điều chỉnh địa giới hành chính, lập hồ sơ, bản đồ cho các đơn vị mới thành lập và các đơn vị có liên quan. Đặc biệt, năm 2010 tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 798/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh về chính sách thu hút người có trình độ đại học hệ chính quy trở lên về công tác tại xã, phường, thị trấn và chính sách hỗ trợ đối với công chức cấp xã chưa đạt chuẩn, sau 03 năm thực hiện, đã tuyển dụng được 1.679 sinh viên về công tác tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

- Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức:  Giai đoạn này công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức luôn được quan tâm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Chỉ tính  từ năm 2011 đến nay, Ngành Nội vụ đã phối hợp với các ngành, các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án trình UBND tỉnh, điển hình là các Quyết định phân bổ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã năm 2011, 2012, 2013, 2014, 2015 và năm 2016. Theo đó đã xây dựng kế hoạch, quyết định mở lớp, thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý lớp học, chiêu sinh đúng đối tượng, hợp đồng giảng dạy với các cơ sở đào tạo bồi dưỡng và triển khai mở lớp đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; thực hiện các chế độ chính sách đối với học viên theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính; thanh quyết toán nguồn kinh phí theo quy định. Từ năm 2011 đến năm 2016 đã đào tạo, bồi dưỡng trên 40.000 cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cán bộ thôn, bản, phố. Ngoài ra, đã tổ chức biên soạn và in trên 15.000 cuốn tài liệu bồi dưỡng trưởng thôn, bản, phố; tài liệu lãnh đạo cấp phòng tỉnh Thanh Hoá; tài liệu khuyến nông, khuyến lâm... đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và kỹ năng công tác cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thanh Hóa.

- Về công tác cải cách hành chính; Ngành Nội vụ đã tham mưu cho các cấp chính quyền triển khai thực hiện tốt Chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ, của tỉnh. Cải cách hành chính được đẩy mạnh, tập trung vào các khâu cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, công khai thủ tục hành chính. Công tác lập kế hoạch cải cách hành chính được đổi mới, gắn nhiệm vụ với nguồn lực thực hiện và quản lý theo kết quả đầu ra. Từ năm 2001 đến nay, Ngành Nội vụ đã trình Chủ tịch UBND tỉnh để phê duyệt: Quy định mức phụ cấp đối với cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; Đề án thí điểm đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Đề án xiết chặt kỷ luật, kỷ cương trên các lĩnh vực... Đã tham mưu cho các ngành, các huyện, thị xã, thành phố; xã, phường, thị trấn thực hiện giải quyết công việc của tổ chức, công dân theo cơ chế một cửa, môt cửa liên thông tại 635/635 xã, phường, thị trấn, 27/27 huyện, thị xã, thành phố, 28/28 ngành cấp tỉnh (kể cả các cơ quan thuộc Trung ương đóng trên  địa bàn tỉnh).

+ Đặc biệt, Năm 2001, 2007, thực hiện đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức, Ngành Nội vụ đã trình UBND tỉnh ban hành các Quyết định số 277/2001/QĐ-UBND ngày 02/02/2001 và Quyết định số 685/2007/QĐ-UBND ngày 02/3/2007 về phân cấp quản lý nhà nước về tổ chức, bộ máy và cán bộ, công chức. Việc phân cấp đã tạo sự chủ động và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan nhà nước trong việc quyết định các vấn đề về tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức.

- Công tác thanh tra, kiểm tra: Năm 2004 cùng với việc thành lập Phòng Cải cách hành chính, Thanh tra Sở được thành lập. Ngoài chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra công vụ, Thanh tra Sở có nhiệm vụ chỉ đạo các ngành, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị trực thuộc về lĩnh vực tổ chức nhà nước. Những năm qua, đã thực hiện tốt chức năng thanh tra, kiểm tra công vụ của ngành, tiếp dân và giải quyết có hiệu quả các yêu cầu của tổ chức và công dân.

- Lĩnh vực thi đua, khen thưởng, tôn giáo, văn thư, lưu trữ: Năm 2008, thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP của Chính phủ, Sở Nội vụ ở tỉnh và Phòng Nội vụ ở cấp huyện ngoài việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác nội vụ, được bổ sung thêm chức năng quản lý nhà nước về về văn thư, lưu trữ nhà nước, tôn giáo và thi đua, khen thưởng. Thực hiện chức năng này, Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh, Ban Tôn giáo, Chi cục Văn thư – Lưu trữ đã giúp đã Giám đốc Sở thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao như: tham mưu cho UBND tổ chức, quản lý các hoạt động thi đua yêu nước, thẩm định trình cấp có thẩm quyền khen thưởng kịp thời, đúng quy định các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, phong tặng các danh hiệu vinh dự nhà nước...; thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, tiếp tục giữ vững sự ổn định về tình hình tôn giáo trên địa bàn toàn tỉnh; hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện  quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ; hoạt động theo có hiệu quả theo các văn bản của Trung ương về công tác văn thư, lưu trữ.

II. HỆ THỐNG CỦA NGÀNH NỘI VỤ THANH HÓA QUA CÁC THỜI KỲ

1. Sở Nội vụ

- Từ năm 1945 đến 01/10/1952: Sở Nội vụ tiền thân gồm bộ phận cán bộ phụ trách công tác tổ chức, cán bộ thuộc Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh;

- Từ 10/1952 đến 16/3/1963: Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh thành lập Phòng tổ chức cán bộ thuộc Uỷ ban hành chính tỉnh;

- Từ 16/3/1963 đến 22/3/1968: Sáp nhập Phòng Tổ chức cán bộ và phòng Dân chính Việt kiều của Uỷ ban hành chính tỉnh thành lập Ban tổ chức dân chính tỉnh;

- Từ 22/3/1968 đến năm 1976: Thành lập Ban Tổ chức chính quyền trên cơ sở tách Ban Tổ chức dân chính thành Ban Tổ chức Uỷ ban hành chính và Ban Thương binh xã hội tỉnh;

- Từ  năm 1976 đến năm 1982 đổi tên thành Ban tổ chức UBND tỉnh;

- Từ năm 1982 đến năm 2004 đổi tên là Ban Tổ chức chính quyền tỉnh;

- Từ năm 2004 đến nay đổi tên thành Sở Nội vụ tỉnh.

2. Phòng Nội vụ cấp huyện

Căn cứ bộ máy tổ chức của tỉnh, cấp huyện cũng thành lập phòng phụ trách công tác tổ chức và cán bộ với các tên Phòng tổ chức, Phòng tổ chức Lao động, Phòng tổ chức Lao động TB&XH, Phòng Nội vụ... giúp Sở Nội vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý toàn diện về tổ chức, bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức. Biên chế theo dõi công tác tổ chức, cán bộ các phòng từ 4 - 6 người.

3. Các ngành cấp tỉnh, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh

Một số ngành cấp tỉnh thành lập phòng Tổ chức cán bộ như ngành Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương... một số ngành có một bộ phận thuộc phòng tổ chức hành chính hoặc Văn phòng theo dõi công tác tổ chức, cán bộ. 

 

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
548 người đã bình chọn
°
1833 người đang online